The Lord of the Rings: War of The Ring
Cũng như EA Games, VU Games là đại gia trong lĩnh vực phát hành game nổi tiếng trên khắp thế giới, sở hữu trong tay gần 7 studio và liên kết với hơn 5 hãng game khác, một số trong đó là những tên tuổi rất quen thuộc như Blizzard Entertainment, Interplay, Majesco và Sierra. Nắm bắt được món lợi béo bở từ LOTR, VU Games đã nhanh chóng thoả thuận với studio Liquid Entertainment để tung ra LOTR: War of The Ring (WOTR).
WOTR là game dàn trận thời gian thực đầu tiên trong loạt game ăn theo LOTR được thực hiện từ trước đến nay nên cũng có một số ưu và khuyết điểm. Xét về cốt truyện thì game không phân chia theo từng phần của bộ phim mà gộp cả 3 phần và thêm một phần nhỏ kể lại những sự kiện gắn với từng nhân vật Legolas, Gimli, Frodo... từ trước khi có sự tụ hợp của Hiệp Hội Nhẫn (The Fellowship of the Ring), và kéo theo là sự lớn mạnh không ngừng của binh đoàn Sauron đang bành trướng sang lãnh thổ của ba dân tộc con người, tiên và người lùn (Human, Elf và Dwarf), buộc họ phải liên kết lại để tiêu huỷ chiếc nhẫn chúa - mầm mống của tai hoạ... Có hai phe trong WOTR: phe Đồng Minh gồm Elf, Human và Dwarf dưới sự lãnh đạo của phù thuỷ Gandlaf và phe Bóng Đêm của của lãnh chúa Sauron với Orc, Gollum và Troll. Tuỳ theo chọn lựa của bạn mà sẽ có 2 chiến dịch tướng ứng cho mỗi phe. Mỗi chiến dịch có khoảng 10 màn và diễn ra liên hoàn theo cốt truyện. Bắt đầu từ dân tộc Dwarf với Gimli lãnh đạo đội quân người lùn chống trả những làn sóng tấn công quyết liệt trên từng thước đất của dãy núi Iron Hill. Kế đến là cuộc rượt đuổi giữa Legolas của dân tộc Elf với tên Gollum trong cánh rừng Mirkwood, dẫn dắt Human tiêu diệt doanh trại Orc trong vùng đất Rohan và cuối cùng là theo gót nhóm đồng hành Hiệp Hội Nhẫn tiêu hủy nhẫn chúa trong chính lãnh địa Mordor của Sauron, và tham gia vào những trận đánh lịch sử ác liệt trong LOTR như trận chiến ở Helm’s Deep, Cirith Ungol và Minas Ithil.
Ấn tượng đầu tiên về gameplay của WOTR là bạn sẽ bắt gặp những yếu tố rất đặc trưng nếu không muốn nói là rất giống Battle Realm (BR) năm 2001. Cũng dễ hiểu vì BR cùng được Liquid Entertainment phát triển và là một game tương đối hấp dẫn mang lại danh tiếng cho hãng. Bạn rất dễ làm quen với WOTR nếu đã từng chơi qua BR vì những thao tác điều khiển hoàn toàn giống với BR và có phần dễ hơn vì bạn không phải kết hợp nhiều nhà với nhau để sản xuất ra một loại quân đặc biệt nào đó. Hai loại tài nguyên chính trong game là lương thực và kim loại, khu mỏ của mỗi loại không giới hạn số nông dân khai thác tuy nhiên bạn chỉ nên cho khoảng 5-6 phu vào khai thác để phát huy được hiệu quả, tránh tình trạng “đất chật người đông” làm cản trở việc xây nhà của bạn. Cả hai phe đều có những công trình và kiến trúc đặc trưng nhưng đều có chung đặc điểm là không thể xây nhà vượt qua khỏi biên giới đã có sẵn. Đối với Evil thì đó là vùng đất chết tạo ra bởi War Post của Master Slaver còn với Good là vùng ảnh hưởng từ Stronghold. Do đó, nếu muốn mở rộng lãnh thổ thì bạn buộc phải xây dựng thêm các War Post hoặc Stronghold, điều này có thể làm ảnh hưởng đến chiến thuật của bạn nhưng sẽ không là vấn đề đối với những tay game kỳ cựu. Binh chủng của WOTR tương đối đa dạng và chịu ảnh hưởng nhiều từ bộ phim.
Do chỉ có 2 phe nên mỗi phe sẽ bao gồm nhiều loại quân của những dân tộc thành phần. Ví dụ phe Good sẽ cho bạn Knight của Human, Ranger của Elf và Axer của Dwarf; trong khi Evil thì có Orc Bowman, Giant Spider... Mỗi phe cũng có một số quái vật, chiến binh quen thuộc chẳng khác trong phim là bao: Người Gấu có khả năng cứu thương, Ma Cây với ưu thế hình thể áp đảo, những tên Warg Rider cưỡi sói hung tợn hay quái vật Balrog với ngọn roi lửa hừng hực trong tay... Tuy nhiên, không biết do nhà sản xuất vô tình hay cố ý mà quân của phe Bóng Tối luôn có chỉ số tấn công thấp hơn phe Đồng Minh vài đơn vị? Điểm mới và cũng là nét khác biệt chính của WOTR so với BR là bổ sung thêm hệ thống các Hero. Có tổng cộng 7 Hero quen thuộc cho mỗi phe, có thể kể ra ngay như Frodo Baggins, Legolas, Aragorn... đồng thời mỗi nhân vật có thể “luyện” Level trong khi chiến đấu và cũng có một số khả năng đặc biệt cho mình. Nếu bạn còn nhớ, trong BR khi muốn sử dụng được “tuyệt chiêu” thì bạn phải sưu tầm đủ số lượng “Ngọc” cần thiết, WOTR cũng vậy và trong game “Ngọc” này được gọi là Fate, số lượng Fate sẽ thay đổi tùy theo sức mạnh của phép thuật. Công dụng của Fate cũng được phát huy nhiều hơn: không chỉ dành cho Hero mà Fate còn được sử dụng để thực hiện các phép thuật riêng của mỗi phe mà bạn có thể tìm thấy trong menu điều khiển. Đặc biệt, một số Hero hay quái vật như Aragorn, Balrog, Giant Elf... chỉ có thể được triệu hồi khi đã có đủ số lượng Fate cần thiết. Hero đóng vai trò rất quan trọng trong những trận chiến vì có sức tấn công thường gấp đôi gấp ba quân thường và luôn sử dụng phép thuật để hỗ trợ. Tuy nhiên vấn đề đáng nói ở đây là Hero của WOTR chưa được thực hiện tốt cho lắm. Có sự chênh lệch quá lớn giữa các phép với nhau, một số thì rất hữu ích như tăng máu, sức mạnh,... và được sử dụng thường xuyên trong khi số khác thì gần như vô dụng. Chẳng hạn bạn cần gì phải làm cho Frodo tàng hình trong khi “trùm” vẫn nhìn thấy được bạn? Ngoài ra điều đáng phàn nàn hơn là phép của một vài thành viên lại trùng với phép trong Warcraft 3. Ví dụ, Gimli có chiêu động đất làm “xỉn” những quân đứng xung quanh rất giống với phép tương tự của nhân vật chú lùn trong WC3?
Đồ hoạ và âm thanh chất lượng
Nói gì thì nói, cho dù là game thuộc dạng hành động hay chiến thuật thì việc chuyển thể từ một cuốn sách cũng không phải là điều dễ dàng. Trước WOTR không có một game dàn trận nào ăn theo LOTR để Liquid Entertainment rút tỉa kinh nghiệm nên ta có thể dễ dàng hình dung được những khó khăn của hãng. WOTR được xây dựng lại từ bộ engine của BR nên kế thừa nhiều ưu điểm nổi trội. Hai trong số những đặc tính ưu việt của bộ engine này là mô phỏng chuyển động của cỏ và ánh phản chiếu dưới nước đã được khai thác triệt để. Khung cảnh trong game được thiết kế đẹp và đầy sức sống, chẳng hạn như đã nói ở trên, trong WOTR những bãi cỏ xanh rì rộng thênh thang lắc lư trong gió, khi có những đạo quân băng ngang qua thì chúng khẽ dạt sang hai bên trông rất tự nhiên không có chút cứng nhắc nào, thỉnh thoảng lại xuất hiện vài con thú di chuyển ngang qua nền đất,... Mô hình của các loại quân được thiết kế tốt và chuyển động của các chiến binh rất mượt mà và linh động khi giáp chiến. Hiệu ứng phép thuật được thực hiện khá đẹp như những cơn mưa lửa làm sáng rực cả bầu trời hay những vòng phép đầy màu sắc bổ sung sức mạnh cho đạo quân của bạn... Hiệu ứng thời tiết là nét độc đáo khác của WOTR, trò chơi cho bạn cảm nhận được những cơn gió thoảng quét ngang lay động cỏ cây hay cả một trận cuồng phong mạnh mẽ trút mưa và phóng chớp ngợp trời.
Âm nhạc được hoà âm khá hay, bình thường thì có tiết tấu chậm và du dương nhưng khi bạn chạm trán với binh lính của Sauron thì âm nhạc trở nên nhanh dần tạo không khí rạo rực. Đặc
biệt trong một số màn có những nhiệm vụ lớn thì âm nhạc rất hoành tráng và một số đoạn “hơi” giống trong phim. Âm thanh của WOTR cũng khá hoàn hảo vì được thu âm kỹ và chi tiết,
chẳng hạn cánh rừng Mirkwood luôn choáng ngợp tiếng côn trùng kêu văng vẳng, tiếng gió hú có thể khiến bạn sởn tóc gáy và cả tiếng binh đao pha lẫn vó ngựa chắc nịch trong những trận giao tranh... Tuy nhiên WOTR lại có một chút vấn đề về việc lồng tiếng cho các nhân vật trong game. Do không thoả thuận được với Tolkien Enterprise nên khâu lồng tiếng được giao cho đội ngũ của nhà sản xuất thay vì do các diễn viên chính đảm nhận. Đây quả thật là một thiếu sót đối với game dàn trận đầu tiên của LOTR vì khả năng lồng tiếng cho các nhân vật chỉ đạt mức trung bình, đôi chỗ còn gượng ép như giọng của nhân vật Gimli quá nhạt nhẽo và đôi lúc lên giọng không cần thiết.
Khuyết điểm
Rất tiếc cho WOTR vì vẫn còn tồn tại những khuyết diểm đáng chê trách. Tuy không có lỗi nào nghiêm trọng về kỹ thuật nhưng những lỗi về gameplay thực sự làm người chơi khó chịu. Đầu tiên là hệ thống phím tắt, thay vì đặt bên cạnh những dòng chú thích thì Liquid Entertainment lại đặt tất cả trong mục Options, một số phím tắt lại không có tính gợi nhớ làm người chơi bối rối. Điều này buộc người chơi phải học thuộc lòng và thật sự là một trở ngại lớn. Thử tưởng tượng đang trong một trận chiến gay cấn mà bạn lại quên mất phím tắt thì sao? Đây quả thật là một lỗi khó tha thứ được.
Thứ hai, hẳn các bạn còn nhớ trong phim có những trường đoạn quân đội của 2 phe giao chiến chứ? Bạn có giật mình vì số lượng quân khổng lồ kéo dài hàng cây số trong phim không? Nếu có thì bạn sẽ mau chóng thất vọng vì WOTR không thể đạt được quân số như vậy và bạn chỉ có thể sản xuất từng đơn vị một như bao trò chơi chiến lược khác. Quân số tối đa trong trò chơi là 100, và có thể thấy ngay con số này sẽ nhanh chóng dập tắt niềm háo hức của bạn nếu như bạn muốn tận tay điều khiển những binh đoàn với số lượng quân lên đến hàng vạn như trong phim. Thậm chí bạn cũng sẽ chẳng bao giờ cần tới quân số “đông” như vậy, hoặc ví như bạn đã đạt tới số lượng đó thì những gì bạn thấy chỉ là một “biển” người lúc nhúc chứ không ngay hàng thẳng lối như trong phim. Điều này làm giảm hứng thú một cách đáng kể. Có lẽ nếu WOTR được thiết kế theo phong cách Total War hay Preatorian với khả năng điều khiển từng đội quân đông đảo thì chắc chắn WOTR sẽ thành công hơn rất nhiều
Pass: www.gamehay.net
Link torrent: http://adf.ly/Vp1nX
0 comments:
Post a Comment